6 loại cua nổi tiếng tại Nhật Bản vào mùa đông

Nhật Bản nổi tiếng với hải sản tươi ngon. Trong đó thì cua được biết đến là một trong những món ăn tiêu biểu cho ẩm thực mùa đông của đất nước này.

Nào là cua nướng, cua luộc, lẩu cua kanisuki, tempura hay sushi... có vô số lựa chọn để bạn thưởng thức món cua độc đáo.

Cua được đánh bắt ở nhiều nơi tại Nhật Bản. 3 vùng Hokkaido, Hokuriku và San'in được biết đến với sản lượng đánh bắt lớn nhất nước. Trong bài viết này, chúng mình sẽ giới thiệu những vùng nuôi cua và các loại cua nổi tiếng nhất của Nhật.

Những vùng nổi tiếng về cua ở Nhật Bản

Có 3 vùng sản xuất cua chính ở Nhật Bản. Đó là Hokkaido, vùng Hokuriku và vùng San'in.

Hokkaido vốn đã nổi tiếng về hải sản từ trước, nhưng có thể nhiều bạn chưa biết đến vùng Hokuriku và vùng San'in. Vùng San'in là vùng hướng ra biển Nhật Bản, nằm ở phía bắc của dãy núi Chugoku. Tại đây có tỉnh Tottori và Shimane nổi tiếng về ngành đánh bắt cua. Cua Matsuba-gani và cua tuyết đỏ tại đây được xem là đặc sản nổi tiếng khi đông về.

Vùng Hokuriku nằm ở phía tây Nhật Bản, gồm các tỉnh Fukui, tỉnh Toyama và tỉnh Ishikawa. Biển Nhật Bản giáp ranh với vùng Hokuriku có dòng nước lạnh và êm đềm, nên người dân tại đây có thể đánh bắt được các loại cua chất lượng cao nhất, như cua Kano-gani từ tỉnh Ishikawa và cua Echizen-gani từ tỉnh Fukui.

Hokkaido được bao quanh bởi 3 vùng biển là biển Okshotsk, biển Thái Bình Dương, biển Nhật Bản và được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên biển dồi dào. Ở đây có nhiều loài giáp xác như tôm cua sinh sống, và cua là một trong những món ăn ngon phổ biến nhất vào mùa đông.

Cua hoàng đế đỏ (Tarabagani)

Trong số các loại cua đa dạng, thì cua hoàng đế đỏ được mệnh danh là "vua của các loài cua", với kích thước khổng lồ lên đến hơn 1m.

Loài cua này sống ở những vùng biển nước lạnh và có nhiệt độ thấp, chủ yếu là vùng biển Okhotsk. Cũng chính vì vậy mà cua hoàng đế đỏ ở Nhật thường là hàng nhập khẩu từ Nga. Nơi đánh bắt trong nước Nhật thì chỉ có duy nhất vùng Hokkaido. Đặc biệt, cảng Wakkanai nằm ở tận cùng phía bắc được biết đến là nơi có sản lượng đánh bắt nhiều nhất ở Hokkaido.

Lúc vừa mới bắt lên thì cua thường có màu nâu sẫm, và sau khi nấu chín thì sẽ chuyển sang màu đỏ tươi, mặt sau có màu trắng. Vì màu đỏ và trắng tượng trưng cho điềm lành, nên cua thường được dùng để làm quà tặng vào những dịp lễ tết.

Cua hoàng đế đỏ thường được đánh bắt vào hai mùa, một là từ tháng 4 đến tháng 6, và một là từ tháng 11 đến tháng 2.

Cua hoàng đế xanh (Aburagani)

Cua hoàng đế xanh sinh sống ở vùng biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okshotsk. Giống cua này có kích cỡ nhỏ hơn một chút so với cua hoàng đế đỏ, vỏ cua có bề rộng khoảng 20cm. Vì cua hoàng đế xanh được đánh bắt trong thời gian dài hơn cua hoàng đế đỏ, nên có giá tương đối rẻ và dễ tìm mua.

Hương vị của giống cua này được đánh giá là hơi kém hơn so với cua hoàng đế đỏ, nhưng về độ tươi ngon thì không thua gì, nên đây sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn ăn cua với số lượng nhiều.

Cua tuyết (Zuwaigani)

Cua tuyết nhỏ hơn cua hoàng đế đỏ, dù là giống đực có giang rộng chân thì cũng chỉ có kích cỡ khoảng 70cm. Giống cua này tập trung sống ở vùng biển Nhật Bản, với mực nước sâu hơn 200~400m.

Thịt cua tuyết có vị ngọt đậm đà, cùng gạch cua béo ngậy. Vì vậy thịt cua có thể dùng để ăn sống (sashimi) hoặc luộc, còn gạch cua thì có thể dùng để nấu súp thập cẩm hầm cùng cơm, mì Ý, hoặc gratin...

Ngoài ra, cua tuyết đực và cái thường có tên gọi khác nhau, và tên gọi cũng thay đổi tùy theo khu vực chúng sinh sống. Cua tuyết đực được đánh bắt ở các tỉnh Kyoto, Hyogo và Tottori được gọi là cua Matsuba-gani, còn cua tuyết đực được đánh bắt ở vùng Hokuriku được gọi là cua Echizen-gani. Còn giống cua cái thì gồm có cua Sekogani, cua Oyagani, cua Kobako-gani, cua Komochi-gani... Phần bụng của cua gái chứa nhiều trứng và gạch với hương vị đậm đà, để lại ấn tượng khó quên sau khi thưởng thức.

Cua tuyết thường được đánh bắt từ tháng 11 đến tháng 3 hằng năm, nên đây được xem là món ăn phổ biến vào mùa đông Nhật Bản.

Cua lông ngựa (Kegani)

Cua lông ngựa (Kegani) còn được gọi là "Ookuri-gani", toàn thân cua được bao phủ bởi một lớp lông mịn. Giống cua này có kích cỡ khá nhỏ so với các giống cua khác. Loài cua lông ngựa thông thường nặng khoảng 400~600gram, còn loại đặc biệt thì nặng khoảng 700~900gram. Trên các trang thương mại điện tử, mặt hàng cua được định giá và xếp hạng dựa trên trọng lượng của cua.

Đây là một trong những loại cua thường được sử dụng trong ẩm thực Nhật Bản, vì giá tương đối rẻ và hương vị thơm ngon. Tuy nhỏ nhưng thân cua đầy ắp thịt, cùng gạch cua béo ngậy, đậm đà. Phần vỏ có thể dùng để nấu súp để lấy nước ngọt, nên vỏ cua thường được dùng để nấu súp miso, hoặc súp thập cẩm...

Cua Hanasaki

Cua Hanasaki là giống cua quý hiếm chỉ có thể đánh bắt được ở khu vực phía đông Hokkaido (chủ yếu là khu vực thành phố Nemuro). Mặc dù thuộc cùng giống với cua hoàng đế đỏ, nhưng cua Hanasaki có kích thước khá nhỏ, vỏ cua rộng khoảng 15cm. Tên gọi "Hanasaki" được đặt theo tên cảng đánh bắt được giống cua này, và mang ý nghĩa "hoa nở" do cua chuyển sang màu đỏ rực sau khi được nấu chín.

Từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm, thành phố Nemuro thường sẽ tổ chức lễ hội "Nemuro Crab Festival" để đón mừng mùa cua Hanasaki. Du khách tham gia lễ hội sẽ có dịp thưởng thức đủ các món cua đa dạng như cua luộc, cua Hanasaki...

Cua nhện Nhật Bản (Taka-ashi-gani)

Cua nhện là giống cua khổng lồ sống ở vùng biển sâu, gần Nhật Bản. Đây được xem là loài giáp xác lớn nhất thế giới, với kích thước lên đến 4m khi giang rộng hai bên chân trái và phải.

Cua nhện thường sống ở vùng biển sâu và rất khó chế biến, nên đây được xem là "mỹ vị quý hiếm".

Tỉnh Shizuoka nổi tiếng là nơi có sản lượng đánh bắt cua nhện nhiều. Vùng Toda, nơi nằm đối diện với vịnh Suruga có nhiều nhà hàng chuyên cung cấp cua nhện luộc, cua nhện sống (sashimi)... đa dạng.

Cách thưởng thức cua ngon tại Nhật

Để thưởng thức món cua ngon, thì việc chọn giống cua và cách chế biến cua đóng vai trò rất quan trọng.

Ví dụ như cua hoàng đế đỏ có phần thịt chắc, ngọt và dai, nên sẽ thích hợp để nướng, luộc, hoặc làm lẩu shabu shabu để ăn cùng rau củ, đậu hũ. Còn đối với cua tuyết có vị ngọt đậm đà thì ngoài việc thưởng thức bằng phương thức luộc, bạn có thể thử ăn sống (sashimi) để thưởng thức trọn vẹn vị tươi ngọt của cua.

Ngoài thịt cua thì gạch cua béo ngậy, đậm đà cũng rất được ưa chuộng! Loại cua lông ngựa tuy có kích cỡ nhỏ nhưng giá cả lại phải chăng, và chứa đầy gạch cua thơm ngon. Ngoài cách để vậy ăn sống, bạn cũng có thể nướng vỏ cua và gạch cua lên rồi thưởng thức, hoặc làm lẩu, nấu mì Ý, gratin...

Vỏ cua cũng có thể được dùng để làm lẩu nabe, lẩu thập cẩm zosui, hoặc súp miso... các kiểu vì cho ra nước dùng ngon ngọt, nên bạn hãy tận dụng nhé!

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.