Tìm hiểu về nguồn gốc, nguyên liệu và các loại bánh wagashi của Nhật Bản!

Wagashi trong tiếng Nhật được hình thành từ chữ “Wa (和=Nhật Bản)” và “gashi (điệp âm của kashi 菓子=bánh kẹo)”. Bánh wagashi có nhiều loại khác nhau, với màu sắc rực rỡ tượng trưng cho vẻ đẹp bốn mùa tại Nhật Bản.

Wagashi có nguồn gốc từ đâu? Các loại bánh được làm từ nguyên liệu gì? Nên thưởng thức như thế nào cho đúng cách? Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp từng thắc mắc một về món bánh wagashi truyền thống của xứ sở Phù Tang!

Nguồn gốc và lịch sử của bánh wagashi

Bánh wagashi được cho rằng đã có từ vài nghìn năm trước. Trong các loại bánh, thì bánh dẻo mochi ra đời trước tiên. Người xưa từng lấy các loại hạt để sấy khô và bảo quản, sau đó đem nghiền thành bột để loại bỏ vị đắng, vo bột thành viên tròn rồi đun nóng để làm món bánh dẻo mochi. Trong những cuốn sách cũ vào khoảng năm 934 có mô tả về bánh mochi. Món bánh này được làm từ gạo - nguyên liệu đắt tiền vào thời bấy giờ, và được xem như lễ vật linh thiêng dùng để dâng lên các vị thần linh. Bánh mochi cũng được xem là một trong các loại thực phẩm gia công lâu đời nhất của Nhật Bản.

Về sau, kỹ thuật và phương pháp sản xuất đồ ngọt của Nhật Bản đã phát triển hơn thông qua hoạt động giao lưu với văn hóa nhà Đường (Trung Quốc ngày nay), cũng như văn hóa trà đạo. Theo thời gian, cách sử dụng nguyên liệu chế biến và kỹ thuật gia công thực phẩm dần được cải tiến. Qua đó mà các loại bánh wagashi với hương vị thơm ngon, cùng tính thẩm mỹ cao cũng ngày càng được đa dạng hóa.

Từ "kashi (菓子 = bánh kẹo)" trong "wagashi" được cho rằng bắt nguồn từ việc khi không có đủ thức ăn, người xưa sẽ lấy các loại hạt hoặc trái cây để ăn vào lúc bụng đói (chữ "菓" ở đây chỉ các loại hạt, trái cây). Khi kỹ thuật giao công thực phẩm chưa phát triển vào thời bấy giờ, thì vị ngọt của rau củ, trái cây rất đặc biệt đối với người xưa, và được phân biệt so với các loại thực phẩm cơ bản (như gạo, ngũ cốc...) thông qua cách gọi.

Bánh wagashi được làm từ những nguyên liệu gì?

Các loại đậu là nguyên liệu được sử dụng phổ biến nhất trong các món ngọt của Nhật Bản. Đậu thường được nghiền nhuyễn, rồi tạo độ ngọt để làm nhân bánh. Đây được xem là nguyên liệu tiêu biểu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực wagashi.

Ngoài ra, các loại ngũ cốc (như gạo nếp), và thạch rau câu dai giòn cũng là nguyên liệu phổ biến. Vì wagashi thường được chế biến bằng nguyên liệu, hình dạng gắn liền với hình ảnh bốn mùa của xứ sở Phù Tang, nên các loại trái cây theo mùa cũng thường được sử dụng. Ví dụ như về nguyên liệu thì hạt dẻ hoặc quả hồng thường được dùng để chế biến, còn về hình dạng thì bánh thường được mô phỏng theo các loại quả đào, lê, mơ, quýt và mang mùi vị của các loại quả này.

Các loại bánh wagashi

Sau đây là một số loại bánh wagashi nổi tiếng nhất. Wagashi được phân loại thành 3 nhóm lớn dựa trên hàm lượng nước trong bánh: namagashi (bánh tươi có độ ẩm trên 30%), han-namagashi (bánh có độ ẩm khoảng 10~30%), và higashi (bánh khô có độ ẩm dưới 10%).

Trong số đó, chúng tôi sẽ giới thiệu những loại bánh wagashi thường được bày bán tại các cửa hàng lưu niệm và cửa hàng đồ ngọt của Nhật Bản. Có thể bạn sẽ tìm ra một vài loại mà bạn đã từng ăn trước đây cũng không biết chừng!

Bánh dẻo mochi

Bánh dẻo mochi thuộc loại bánh tươi, được làm từ các loại gạo như gạo nếp hoặc gạo tẻ, và các loại bột sắn dây (kuzu), tinh bột dương xỉ (warabi)... Kết cấu mềm dẻo là đặc trưng của món bánh này. Tùy theo mùa mà sẽ có nhiều loại khác nhau như bánh nếp ngải cứu (kusa-mochi), bánh hoa anh đào (sakura-mochi), bánh đại phúc (daifuku) nhân đậu, và cả bánh uiro không nhân...

Bánh màn thầu manju

Bánh màn thầu manju có vỏ bánh được làm bằng cách nhào các loại bột mì, bột gạo, bột kiều mạch... bọc quanh nhân, rồi đem hấp hoặc nướng. Vậy nên bánh màn thầu manju gồm có hai loại hấp (mushi-manju) và loại nướng (yaki-manju). Mỗi khu vực địa phương sẽ có những loại bánh màn thầu khác nhau.

Bánh monaka

Bánh monaka có lớp vỏ được làm từ bột gạo nếp cán mỏng, sau đó đem nướng và tạo hình, rồi cho đậu vào giữa làm nhân. Loại bánh này cũng thường được đúc khuôn thành các hình dạng mang thông điệp may mắn, và được dùng làm quà vào các dịp chúc mừng.

Bánh thạch yokan

Bánh thạch yokan gồm có 3 loại. Đó là "neri-yokan (rau câu đặc)" được làm bằng cách nhào bột đậu đỏ, đường và thạch với nhau, đem nấu chín rồi cho vào khuôn đúc; "mizu-yokan (rau câu nước)" sẽ có lượng nước nhiều hơn so với "neri-yokan (rau câu đặc)"; "mushi-yokan (rau câu hấp)" không sử dụng thạch, mà được làm bằng cách thêm bột mì hoặc bột sắn dây vào nhân rồi hấp cho đến khi bánh đông lại.

Bánh thạch yokan cũng thường được dùng để làm quà tặng trong các dịp lễ, dịp chúc mừng...

Bánh gạo senbei

Ngoài các loại bánh ngọt được giới thiệu như trên, wagashi còn có các loại bánh mặn. "Senbei" là loại bánh gạo được làm từ gạo tẻ hấp chín, cán thành lớp mỏng, sau đó cho thêm muối hoặc nước tương shoyu rồi đem nướng hoặc chiên. Còn loại bánh gạo được làm từ gạo nếp thì gồm có bánh arare, bánh okaki...

Các loại thức uống thường được thưởng thức cùng bánh wagashi

Giống như bánh ngọt phương Tây thì hợp với các loại đồ uống như cà phê, socola, rượu vang đỏ..., bánh wagashi của Nhật Bản cũng có những loại đồ uống để thưởng thức cùng. Mỗi loại bánh wagashi sẽ có các loại trà phù hợp khác nhau.

Ví dụ như bánh tươi (namagashi) có độ dẻo và vị ngọt đậm đà sẽ hợp với các loại trà Nhật Bản như trà xanh matcha, hoặc trà xanh gyokuro thượng hạng. Còn các loại bánh nướng, bánh gạo senbei có vị tương shoyu sẽ hợp với loại trà bancha - loại trà vốn có độ nồng mạnh. Còn đối với các loại bánh dày như bánh đại phúc (daifuku), hay bánh ohagi thì sẽ hợp với trà xanh rang hojicha, trà Ceylon hoặc trà Assam thanh dịu, ít có vị chát.

Bạn cảm thấy thế nào sau khi đọc bài viết này? Hãy tham khảo các thông tin hữu ích trong bài viết và thử thưởng thức bánh wagashi khi có dịp đi du lịch đến Nhật Bản, bạn nhé!

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.