Hành trình mỹ vị với "ẩm thực hạng B" tại Hokkaido

Hokkaido được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại nguyên liệu tươi ngon, và có rất nhiều món ăn tuyệt vời làm hài lòng thực khách. Trong bảng xếp hạng các tỉnh thành có ẩm thực ngon nhất, Hokkaido luôn đứng ở vị trí cao!

Súp cà ri, thịt cừu nướng, hải sản, các sản phẩm từ sữa... đều là đặc sản nổi tiếng ở Hokkaido. Vì Hokkaido là tỉnh thành có diện tích lớn nhất ở Nhật Bản, nên mỗi khu vực sẽ có các loại đặc sản riêng. Lần này, chúng mình sẽ giới thiệu đến bạn các món ăn thuộc "ẩm thực hạng B" của Hokkaido.

"Ẩm thực hạng B" là gì ?

Ngoài những món ăn đặc sản mà du khách thưởng thức trong chuyến du lịch, thì dù ở trong cùng một tỉnh, mỗi khu vực cũng có những món đặc sản mang đặc trưng riêng. Cụm từ "ẩm thực hạng B" dùng để chỉ những món ăn có hương vị quen thuộc với người dân địa phương. Các món ăn bình dân này được chế biến từ nguyên liệu vốn có của địa phương, mà không sử dụng bất kỳ kỹ thuật hay cách thức trang trí xa hoa nào.

Đặc trưng của ẩm thực Hokkaido

Nguồn: Hokkaido Tourism Organization

Hokkaido là tỉnh thành nằm ở cực bắc của Nhật Bản, và có diện tích lớn nhất trong số 47 tỉnh thành của xứ sở Phù Tang. Tổng diện tích đất liền trên đảo chính của Hokkaido là khoảng 78.000 ㎢ (không bao gồm các đảo xa). Do có kích thước lớn, nên tùy theo từng khu vực mà môi trường tự nhiên và khí hậu cũng hoàn toàn khác nhau. Nhờ vậy mà nơi đây có rất nhiều loại nông sản phong phú, với hương vị tươi ngon và chất lượng vượt trội.

Thành phố Otaru: Mì xào "Ankake Yakisoba"

Nguồn: Otaru Tourism Association

Ở khu vực kênh đào Otaru - một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Hokkaido, ẩm thực hạng B được người dân địa phương yêu thích là món mì "Otaru Ankake Yakisoba".

Ankake Yakisoba đã trở nên phổ biến ở thành phố Otaru vào thời Showa (khoảng năm 1955-1964). Món ăn được làm từ sợi mì dai, có nhiều nguyên liệu khác nhau và được chan nước sốt ankake đặc sệt. Để gìn giữ văn hóa ẩm thực này, người dân địa phương tại đây đã thành lập "Đội bảo vệ Otaru Ankake Yakisoba" nhằm quảng bá sức hấp dẫn của món ăn đến nhiều người.

Thành phố Tomakomai: Sò đỏ "Hokkigai"

Thành phố Tomakomai là nơi có sản lượng đánh bắt sò Hokkigai lớn nhất Nhật Bản. Vì thế mà sò Hokkigai là thành phần nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn của người dân địa phương. Trong số đó, "cà ri Hokkigai" và "cơm thập cẩm Hokkigai" là hai món ăn phổ biến nhất.

Trong những năm gần đây, người dân thành phố Tomakomai đã tiếp tục cho ra đời những món ăn mới được làm từ sò Hokkigai. Tiêu biểu là món mì xào "Tomakomai Hokkigai Yakisoba", được ra đời vào năm 2015. Món ăn này đã trở thành một đặc sản mới mà bất cứ tín đồ ẩm thực nào cũng phải thử qua.

Thành phố Muroran: Món mì "Muroran Curry Ramen"

Nguồn: Muroran City

Món mì "Muroran Curry Ramen" đã có lịch sử hơn 30 năm. "Không có định nghĩa cụ thể nào về món mì ramen cà ri, chỉ cần có vị cà ri là được" chính là đặc trưng của món ăn này.

Nhờ đó mà hương vị và cách chế biến riêng của mỗi người dân đã được cho ra đời. Ví dụ như mì Sapporo Miso Ramen (vị tương miso), mì Hakodate Shio Ramen (vị muối) hay Asahikawa Shoyu Ramen (vị tương shoyu)... Đây được xem là món mì ramen tiêu biểu ở Hokkaido.

Thành phố Muroran: Thịt xiên nướng "Muroran Yakitori"

Nguồn: Muroran City

"Muroran Yakitori" là ẩm thực hạng B lâu đời của thành phố Muroran. Món ăn này được khai sinh vào đầu thời kỳ Showa (khoảng năm 1937). Mặc dù tên gọi món ăn có chữ "tori (thịt gà)", nhưng thịt lợn cũng được sử dụng để chế biến.

Thông thường thì thịt xiên nướng ở Nhật thường sử dụng hành lá để xiên cùng, song thịt xiên "Muroran Yakitori" thì thường dùng hành tây xiên cùng với thịt lợn. Hành tây là đặc sản của Hokkaido, nên có giá cả phải chăng và rất hợp vị với thịt lợn.

Thành phố Asahikawa: Món mì "Asahikawa Shoyu Horumen"

Nguồn: Asahikawa City Tourism Division

Thành phố Asahikawa từng có ngành chăn nuôi lợn phát triển, nên nơi đây nổi tiếng về các món ăn được làm từ nội tạng bổ dưỡng, và cũng có rất nhiều người yêu thích các món ăn này. Ví dụ như là "shio horumon (nội tạng muối)" - một loại nội tạng nướng có nguồn gốc từ thành phố Asahikawa.

Trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến là món mì mang tên “Asahikawa Shoyu Horumen”. Nguyên liệu của món mì này không chỉ có măng (menma), thịt xá xíu mà còn có cả nội tạng xào nữa. Đây là món ăn đặc trưng "có một không hai" của vùng đất vốn yếu thích về nội tạng!

Thành phố Asahikawa: Cơm mực chiên bột "Geso-don"

Nguồn: Asahikawa Tourism Division

Chân mực được phủ một lớp bột và chiên trên chảo, sau đó đặt lên trên bát cơm trắng nóng hổi, ​​rồi rưới nước sốt lên là có ngay món cơm mực chiên bột. Nguồn gốc của món ăn này là vào năm 1981, bắt nguồn từ việc người quản lý của quán "Tachigui Soba Tenyu" làm món tempura từ phần chân mực còn sót lại của nhà hàng "Sushiya Tenyu" (cả hai nhà hàng đều cùng một công ty) và phục vụ cho khách hàng tại đó.

Thành phố Furano: Cơm cà ri trứng "Furano Omelette Curry"

Nguồn: Hokkaido Furano City Office Commerce and Tourism Division

Thoạt nhìn thì có vẻ cách làm không quá phức tạp, nhưng để đưa món "Furano Omelet Curry" vào thực đơn của quán thì các cửa hàng phải đáp ứng một số điều kiện. Ví dụ, các nguyên liệu như cơm, rau, trứng, thịt và dưa chua phải là nguyên liệu của thành phố Furano! Ngoài ra, loại sữa dùng để chế biến món ăn phải thuộc thương hiệu sữa Furano. Và giá của món ăn không được quá 1.100 yên (chưa bao gồm thuế).

Nếu đáp ứng được tất cả các điều kiện trên, và cộng thêm lá cờ nhỏ xinh được cắm ở trên cùng món ăn thì đó có thể xem là món "Furano Omelet Curry" đích thực!

Thành phố Nemuro: Cơm thịt lợn chiên "Escalope"

Nguồn: Hokkaido Tourism Organization

"Escalope" là món ăn địa phương có nguồn gốc từ thành phố Nemuro, bao gồm cơm sốt cà chua hoặc cơm bơ, được phủ thịt lợn chiên giòn "tonkatsu" kèm sốt Demi Glace bên trên. Tên của món ăn xuất phát từ tiếng Pháp "escalope", có nghĩa là "lát thịt mỏng". Để rút ngắn thời gian chế biến, các lát thịt lợn của món ăn sẽ được làm mỏng hơn thông thường.

Ngoài ra, loại cơm để chế biến món ăn gồm có "aka-esuka (cơm tương cà)" và "shiro-esuka (cơm trắng)". Vào thời điểm mới được bày bán, loại cơm tương cà “aka-esuka” rất được ưa chuộng, nhưng gần đây thì loại cơm trắng “shiro-esuka” lại đang chiếm ưu thế áp đảo.

Thành phố Kushiro: Mì thịt lợn chiên xù "Spa-katsu"

"Spa-katsu" có thể nói là món ăn linh hồn của thành phố Kushiro. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức khi đến đây, do món ăn này khá phổ biến ở các quán ăn địa phương.

Nói về nguồn gốc của món ăn, vào những năm 1950, trong thời điểm văn hóa ẩm thực phương Tây vẫn chưa được phổ biến tại khu vực thành phố Kushiro, nhà hàng "Izumiya" của thành phố này đã sáng tạo ra món "Spa-katsu", nhằm giúp khách hàng có thể thưởng thức món ăn nóng hổi, ngon miệng đến miếng cuối cùng!

Thành phố Kushiro: Món cá thu nướng "Sanmanma"

“Sanmanma” là món cá thu sau khi ướp bằng nước sốt, sẽ được đặt lên trên phần cơm thập cẩm rồi đem đi nướng than. Trong quá trình nướng, hương vị béo ngọt, thơm ngon của cá thu sẽ ngấm vào cơm. Đây cũng chính là hương vị đặc trưng, không lẫn vào đâu được của món đặc sản đến từ thành phố Kushiro.

Thành phố Abashiri: Lẩu hải sản "Abashiri Moyoro Nabe"

Nguồn: Hokkaido Tourism Organization

“Abashiri Moyoro Nabe” là món lẩu địa phương với nhiều loại hải sản, bao gồm cả cá hồi được đánh vớt từ vùng biển Okhotsk. Tên gọi "Moyoro" bắt nguồn từ di tích vỏ sò "Moyoro Kaizuka" - một di tích văn hóa nổi tiếng của khu vực địa phương.

Món lẩu "Abashiri Moyoro Nabe" không chỉ kén chọn về các nguyên liệu địa phương, hay nước súp có trong nồi lẩu, mà còn phải sử dụng một loại nồi được chỉ định đặc biệt. Hơn nữa, chủ đề của món ăn cũng phải gợi nhớ cho thực khách về nền văn hóa Okhotsk huyền bí.

Thành phố Kitami: Mì xào "Shio Yakisoba"

Nguồn: Kitami City Tourism Promotion Division

Thành phố Kitami là nơi có số lượng sản xuất hành tây lớn nhất ở Nhật Bản. Và món mì xào vị muối "Shio Yakisoba", đến từ sự kết hợp giữa hành tây và các loại hải sản đa dạng của địa phương đã được cho ra đời.

Khác với các món yakisoba chan nước sốt ở những nơi khác, hương vị mang tính quyết định của món Shio Yakisoba tại đây chính là muối và sò điệp, được lấy từ vùng biển Okhotsk. Và quan trọng nhất là nước dùng được làm từ sò, hay còn được mệnh danh là “maho no mizu - nước thần”. Khi chan nước sốt lên mì, bạn có thể cảm nhận được hương vị món ăn được thăng hoa gấp bội!

"Hokkaido Zangi" - gà chiên kiểu Hokkaido

Thịt gà "Zangi" được bán ở khắp mọi nơi của tỉnh Hokkaido, và là món ăn gia đình truyền thống tại đây. Gà được tẩm ướp gia vị kỹ càng trước khi chiên, và cách tẩm gia vị cũng là mấu chốt tạo nên hương vị món ăn. Cách tẩm gia vị sẽ khác nhau tùy theo từng nhà, từng cửa hàng nên có thể nói đây là món ăn truyền thống tiêu biểu nhất ở Hokkaido.

Khoai tây chiên "Ageimo"

Nguồn: Hokkaido Tourism Organization

Tại Hokkaido - nơi sản xuất khoai tây số một Nhật Bản, không chỉ có bánh snack khoai tây chiên, mà món ăn siêu nổi tiếng thuộc đặc sản hạng B mang tên "Ageimo" đã ra đời. Khoai tây đã gọt vỏ và luộc chín sẽ được cho vào bột, rồi chiên cho đến khi chuyển sang màu vàng nâu.

Từ khu vực trung tâm thành phố của Hokkaido sẽ mất vài giờ để đến đèo Nakayama. Vậy nên món “Ageimo” này đã ra đời để khỏa lấp cơn đói của du khách trên quãng đường dài. Ngày nay, đây là một đặc sản tiêu biểu mà bạn phải thưởng thức khi đặt chân đến đèo Nakayama.

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.