Phong tục tiễn năm cũ, đón năm mới độc đáo của người Nhật

Tại Nhật Bản, sau khi Giáng Sinh kết thúc, khắp mọi nơi sẽ bước vào không khí đón năm mới. Mọi người dân tại xứ sở Phù Tang sẽ dọn dẹp cuối năm, và chuẩn bị cho đêm giao thừa, lễ Tết đầu năm. Nào là mì “toshikoshi-soba”, món súp “zoni”, mâm cỗ “osechi-ryori”, phong tục “hatsu-moude” rồi “otoshidama”… có rất nhiều nét độc đáo mà hẳn bạn chưa nghe qua.
Kỳ này, chúng mình sẽ giới thiệu đến các bạn về phong tục, những món ăn ngon của Nhật Bản vào ngày lễ cuối năm và đầu năm mới.

Giao thừa (oomisoka) và Ngày đầu năm mới (shogatsu-sanganichi)

Ngày cuối cùng của tháng 12 được gọi là "oomisoka (giao thừa)" ở Nhật Bản, và đó là ngày chuẩn bị để chào đón vị thần năm mới “Toshigamisama”. Ngày 1/1~3/1 được gọi là "shogatsu-sanganichi", là khoảng thời gian đặc biệt để các gia đình và người thân sum vầy bên nhau, đón mừng năm mới.

Từ ngày 29/12~3/1 là thời gian nghỉ Tết ở Nhật, nên nhiều khu du lịch và cửa hàng, quán ăn có thể đóng cửa. Nếu bạn có dự định đến Nhật trong khoảng thời gian này thì hãy lưu ý nhé!

Người Nhật làm gì để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới?

Vào cuối tháng 12, mọi gia đình và các công ty, doanh nghiệp ở Nhật sẽ thực hiện tổng vệ sinh, nhằm loại bỏ bụi bẩn, vết bẩn của năm cũ và đón năm mới với tâm trạng tươi mới.

Đồ trang trí ngày Tết thường được đặt trước cửa ra vào, để các vị thần có thể tìm đến nhà. Ngoài ra, ở trong nhà của người Nhật thường trang trí những chiếc bánh mochi lớn nhỏ có hình tròn xếp thành tầng, gọi là “kagami-mochi”, đặt cam quýt cùng những vật trang trí khác bên trên để dâng lên các vị thần.

Nhiều người Nhật sẽ ăn mì “toshikoshi-soba” vào đêm giao thừa, ngày 31/12 cuối năm.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về phong tục ăn mì “toshikoshi-soba” vào đêm giao thừa. Một số người cho rằng sợi mì dài và mỏng tượng trưng cho sự trường thọ. Cũng có người nói rằng, mì soba dễ cắt hơn các loại mì khác, nên có ý nghĩa “cắt đứt tai ương của năm cũ”. Món tempura tôm thường được đặt trên bát mì “toshikoshi-soba”, vì có giả thuyết cho rằng sợi râu và hình dạng cong của tôm trông giống như hình dáng của người già, và tượng trưng cho sự trường thọ. Tôm tượng trưng cho điều tốt lành vì nó chuyển sang màu đỏ khi nấu chín. Thế nên, đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực năm mới, và thường được chế biến với nhiều món ăn đa dạng vào ngày Tết.

Và một sự kiện tiêu biểu cuối năm chính là rung chuông đêm giao thừa! Tiếng chuông sẽ vang lên tại các ngôi chùa vào đêm giao thừa, đúng 0 giờ ngày 31/12. Nhiều người Nhật sẽ ăn mì “toshikoshi-soba” vào buổi tối, sau đó đến chùa và nghe tiếng chuông rung.

Rung chuông đêm giao thừa là một trong những sự kiện của Phật giáo, và các nhà sư sẽ đánh chuông rung 108 lần. Con số này tượng trưng cho nỗi khổ của con người. Tiếng chuông được đánh vang nhằm cầu nguyện cho con người thoát khỏi những nỗi khổ đau, ham muốn trần tục.

Giấc mơ đầu năm, đón bình minh đầu năm, viếng đền đầu năm… Người Nhật rất xem trọng hoạt động “đầu tiên” trong năm mới!

Ở Nhật Bản, các hoạt động vào đầu năm mới thường có kèm chữ "hatsu (đầu tiên)", và mang ý nghĩa rất quan trọng.

Ví dụ, hoạt động đón bình minh vào sáng ngày 1/1 đầu năm được gọi là "hatsu-hi-no-de". Để có thể nhìn thấy cảnh mặt trời mọc đầu tiên trong năm, người dân Nhật Bản không ngại leo lên những ngọn núi cao như núi Phú Sĩ, hoặc khu vực đồi cao…

Sau khi đón bình minh đầu năm, mọi người sẽ viếng thăm các ngôi chùa, đền để cầu nguyện. Phong tục này được gọi là “hatsu-moude”.

Ngoài "hatsuhi-no-de" và “hatsu-moude”, thì giấc mơ đầu tiên trong năm mới được gọi là "hatsu-yume", hay tiếng cười đầu tiên trong năm được gọi là "hatsu-warai".

Món ăn ngày Tết ở Nhật

Trong khoảng thời gian từ ngày 1/1~3/1 (hay còn gọi là "shogatsu-sanganichi") đầu năm, người Nhật thường ăn các món ăn truyền thống của năm mới, như là mâm cỗ “osechi-ryori” hay súp “zoni”, đồng thời cùng gia đình chơi các trò chơi năm mới như bịt mắt ghép hình “fukuwarai”, hay nghe thơ tìm thẻ “karuta”, thả diều...

Như đã đề cập ở trên, nhiều gia đình thường ăn mì “toshikoshi-soba” vào đêm giao thừa. Nhưng tùy vào khu vực, đồ ăn kèm với mì có thể khác nhau, chẳng hạn như tôm, hoặc cá trích...

“Osechi-ryori” là mâm cỗ truyền thống, dùng để đón mừng năm mới Tết đến.

Các nguyên liệu như là đậu đen, trứng cá trích, tôm nướng, cà rốt và củ cải ngâm dấm, "datemaki" (※)... Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa may mắn, cầu chúc cho sức khỏe và sự trường thọ. Tất cả được gói gọn bên trong chiếc hộp “jubako” nhiều tầng với ý nghĩa “chồng niềm vui, sự hoan hỉ lên nhiều tầng, nhiều lớp.”

※"Datemaki" là món trứng ngọt cuộn được kết hợp từ trứng và chả cá rồi đem nướng lên.

Món súp “zoni” cũng là món ăn tiêu biểu của ngày Tết, được làm từ nguyên liệu chính là củ cải trắng và cà rốt. Tùy theo vùng, cũng có nơi dùng hải sản để hầm cùng miso hoặc nước tương.

Nước súp và các nguyên liệu nấu có sự khác nhau giữa các vùng. Mặc dù đa phần nhiều nơi sử dụng cả bánh mochi để chế biến, song tùy mỗi nơi thì mochi được dùng cũng khác nhau về hình dạng tròn vuông, còn có nơi sử dụng cả mochi đậu đỏ…

Ngoài ra còn có đồ uống đặc biệt vào dịp Tết đầu năm.

"Toso" là một loại rượu sake, thường được uống vào ngày đầu năm mới để xua đuổi tà ma và cầu chúc cho sự trường thọ.

“Amazake” là rượu ngọt được làm từ gạo và men “koji” (※), bạn có thể thưởng thức tại chùa, đền vào dịp năm mới.

Vì ngày Tết có rất nhiều món ăn ngon, nên số người tăng cân trong những ngày nghỉ đông cũng không hề ít!

※“Koji” là một loại thực phẩm lên men truyền thống của Nhật Bản

Các món ăn ngày Tết dễ tìm mua ở siêu thị và các cửa hàng tiện lợi

Nếu bạn đi du lịch Nhật Bản vào dịp năm mới, thì hãy thử tìm đến các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Nếu muốn thưởng thức mâm cỗ “osechi-ryori”, thì bạn cần phải đặt trước vì rất khó mua ngay trong ngày. Bạn có thể chọn món mà mình muốn ăn, tìm mua và thưởng thức tại khách sạn để tận hưởng bầu không khí năm mới ở Nhật Bản.

Ngoài ra, ở Nhật cũng có phong tục phát tiền lì xì "otoshidama". Những người lớn như cha mẹ, họ hàng thường sẽ cho các bé nhỏ "otoshidama" như tiền tiêu vặt trong dịp năm mới.

Trong thời gian này, các cửa hàng văn phòng phẩm và cửa hàng tiện lợi có bán rất nhiều phong bì “otoshidama” xinh xinh, với thiết kế các nhân vật hoạt hình anime nổi tiếng. Đây sẽ là món quà lưu niệm lý tưởng dành cho bạn trong chuyến du lịch Nhật Bản đầu năm đó!

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.