Danh sách các ngày lễ quốc gia và kỳ nghỉ dài ngày ở Nhật Bản mà bạn nên lưu ý trước khi đi du lịch

Theo Đạo luật về các ngày lễ quốc gia do chính phủ Nhật Bản ban hành, có đến 16 ngày trong một năm được xem là "ngày lễ quốc gia" hoặc "ngày nghỉ lễ" ở Nhật Bản.
Nhiều nhà hàng và địa điểm du lịch sẽ đóng cửa vào các ngày lễ, ngược lại cũng có nhiều nơi hội tụ đông đảo khách tham quan vào thời điểm này. Vì vậy bạn nên kiểm tra các ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản trước khi khởi hành, để tránh làm ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch Nhật Bản của bạn nhé.

Ngày lễ của Nhật Bản được quy định như thế nào?

Hệ thống ngày lễ quốc gia ở Nhật Bản hiện đang có hiệu lực dựa trên Đạo luật về các ngày lễ quốc gia, được ban hành năm 1948.
Các ngày lễ quốc gia được lập nên bởi Quốc hội. Ban đầu một năm chỉ có 9 ngày lễ. Nhưng sau đó, các ngày lễ như Ngày Quốc Khánh, Ngày Kính Lão, v.v. đã được ban hành bổ sung, và trở thành 16 ngày như hiện nay.

Danh sách các ngày lễ ở Nhật Bản

Sau đây sẽ là những ý nghĩa đằng sau mỗi ngày lễ của Nhật Bản. 16 ngày lễ đều có lịch sử và ý nghĩa khác nhau. Một số ngày đã được cố định, chẳng hạn như ngày Tết Dương lịch (元日), Ngày Chiêu Hòa (昭和の日), và có những ngày lễ thay đổi lịch hàng năm, chẳng hạn như Ngày Lễ Trưởng Thành (成人の日), hay Ngày của Biển (海の日)...

Theo quy định của Đạo luật về các ngày lễ quốc gia, nếu ngày nghỉ lễ rơi vào chủ nhật thì thứ hai của tuần tiếp theo sẽ là ngày nghỉ lễ. Qua đó, 3 ngày nghỉ lễ liên tiếp sẽ phát sinh, giúp các hoạt động du lịch, kích cầu kinh tế cũng dễ được triển khai. Ngoài ra, luật pháp cũng quy định rằng, nếu một ngày thường kẹp giữa hai ngày nghỉ lễ thì ngày thường đó cũng sẽ là ngày nghỉ.

Tết Dương lịch (元日): Ngày 1 tháng 1

Đây là ngày lễ đầu tiên của mỗi năm để chào mừng năm mới. Tại Nhật có nhiều hoạt động khác nhau trong ngày lễ này, chẳng hạn như ngắm mặt trời mọc đầu tiên trong năm (hatsu-hinode) hoặc đi viếng đền, chùa đầu năm (hatsu-moude). Ngoài ra, "fukubukuro - túi quà may mắn đầu năm" hay "hatsuuri - đợt bán hàng đầu năm" cũng là nét văn hóa độc đáo của ngày tết Nhật Bản tồn tại từ xưa cho đến nay.

Ngày Lễ Trưởng Thành (成人の日): Thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng Giêng

Đây là ngày lễ để chào mừng sự khởi đầu mới của những người trẻ bước sang tuổi trưởng thành (*1). Buổi lễ trưởng thành dành cho người trẻ tuổi sẽ được tổ chức ở mỗi khu vực địa phương, vào hoặc gần ngày này. Tại buổi lễ, các bạn nam thường sẽ mặc trang phục hakama hoặc đồ vest, còn các bạn nữ sẽ mặc furisode - một loại kimono với màu sắc bắt mắt.

*1: Từ ngày 1 tháng 4 năm 2022, quy định pháp luật về độ tuổi trưởng thành ở Nhật Bản đã giảm từ 20 xuống 18. Nhưng do độ tuổi tham gia lễ trưởng thành không cần phải tuân theo quy định pháp luật, nên ở nhiều khu vực địa phương, độ tuổi của người tham gia vẫn được giữ nguyên là 20 tuổi như trước đó.

Ngày Quốc Khánh (建国記念の日): Ngày 11 tháng 2

Ngày kỷ niệm khai sinh đất nước Nhật Bản được chọn là ngày 11 tháng 2, vì đây là ngày mà vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản - Thần Vũ Thiên Hoàng lên ngôi. Các sự kiện kỷ niệm sẽ được tổ chức trên khắp Nhật Bản vào ngày này. Trong số đó, thì màn trình diễn của ban nhạc diễu hành dọc các khu phố tại thủ đô Tokyo, và lấy đền Meiji Jingu làm điểm đến cuối cùng sẽ là màn trình diễn mà bạn không thể bỏ qua!

Sinh nhật Thiên Hoàng (天皇誕生日): Ngày 23 tháng 2

Thiên Hoàng kế vị thay đổi thì ngày lễ cũng sẽ đổi theo. Cho đến năm 2020, ngày lễ đã nằm vào ngày 23 tháng 12. Và sau khi Thiên Hoàng cũ thoái vị, Thiên Hoàng mới lên ngôi, ngày lễ Sinh nhật Thiên Hoàng đã thay đổi thành ngày 23 tháng 2 từ năm 2021.

Bên cạnh đó, dựa theo sự thay đổi ngày, sinh nhật của vị Thiên Hoàng cũ cũng có khả năng trở thành ngày lễ khác. Chẳng hạn như Ngày Văn Hóa, Ngày Chiêu Hòa cũng từng bắt nguồn từ sinh nhật của các vị vua.

Ngày Xuân Phân (春分の日): Ngày 20 hoặc 21 tháng 3 (tùy theo năm)

Đây là ngày đánh dấu thời điểm chuyển mùa, khi độ dài của ngày và đêm gần như bằng nhau, và là thời điểm bắt đầu của mùa xuân khi ngày trở nên dài hơn. Đồng thời văn hóa viếng mộ, dọn dẹp bàn thờ Phật trong tổng cộng 7 ngày (bao gồm cả Ngày Xuân Phân, 3 ngày trước và sau đó), cũng đã bén rễ tại đất nước mặt trời mọc từ rất lâu.

Ngày Xuân Phân không được pháp luật quy định ngày tháng cụ thể, mà sẽ được quy định theo lịch do Đài Thiên văn Quốc gia Nhật Bản công bố vào tháng 2 hàng năm.

Ngày Chiêu Hòa (昭和の日): Ngày 29 tháng 4

Trong thời đại Showa (1926 - 1989), sinh nhật của Thiên Hoàng luôn được dân chúng kỉ niệm ăn mừng. Do đó ngày 29 tháng 4 - ngày sinh của Thiên Hoàng Chiêu Hòa cũng được đặt thành Ngày Chiêu Hòa (Ngày Showa). Đây còn được gọi là ngày đầu tiên của Tuần Lễ Vàng - kỳ nghỉ kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 tại Nhật hàng năm.

Ngày Kỷ Niệm Hiến Pháp (憲法記念日): Ngày 3 tháng 5

Đây là ngày lễ kỷ niệm Hiến pháp Nhật Bản. Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 có rất nhiều ngày lễ quốc gia tập trung, và được gọi chung là "Tuần Lễ Vàng". Một trong số đó có Ngày Kỷ niệm Hiến pháp.

Ngày Màu Xanh (みどりの日): Ngày 4 tháng 5

Ngày lễ này được lập ra để mọi người gần gũi với thiên nhiên, và trân trọng những món quà mà thiên nhiên ban tặng. Vào ngày này, nhiều địa điểm tham quan như công viên Shinjuku Gyoen (Tokyo), sở thú Ueno (Tokyo), vườn thú và vườn bách thảo thành phố Fukuoka (Fukuoka)... sẽ mở cửa miễn phí cho mọi người.

Ngày Thiếu Nhi (こどもの日): Ngày 5 tháng 5

Ngày lễ này có ý nghĩa cầu chúc cho các bé mau ăn chóng lớn, phát triển khỏe mạnh. Có nhiều sự kiện và cách thức trang trí truyền thống được thực hiện vào ngày này. Trong số đó thì nổi tiếng nhất là dàn cờ cá chép được treo lơ lửng "koinobori".

Ngày của Biển (海の日): Thứ hai của tuần thứ 3 trong tháng 7

Mục đích của ngày lễ này là để cảm tạ những phước lành của biển, vì biển vốn bao quanh khắp bốn bề của đất nước Nhật Bản. Để kỷ niệm Ngày của Biển, nhiều thủy cung sẽ miễn phí hoặc giảm giá vé vào cửa. Ngoài ra cũng có nhiều tour thuyền tham quan miễn phí được tổ chức vào ngày này.

Ngày của Núi (山の日): Ngày 11 tháng 8

Vì phần lớn đất đai của Nhật Bản là núi, nên ngày lễ quốc gia này được ban hành vào năm 2016 với mục đích "cảm ơn phước lành của thiên nhiên núi rừng mang lại cho đất nước Nhật Bản". Đây cũng là ngày lễ thứ 16 được thiết lập. Các sự kiện liên quan đến núi như leo núi sẽ được tổ chức trên toàn quốc, cả những người mới bắt đầu cũng có thể dễ dàng tham gia.

Ngày Kính Lão (敬老の日): Thứ hai của tuần thứ 3 trong tháng 9

Đây là ngày lễ để tri ân những người cao tuổi đã đóng góp cho xã hội trong nhiều năm qua. Hàng năm, những người sống thọ bước qua tuổi 100 đều sẽ được Thủ tướng Chính phủ gửi tặng thư chúc mừng và quà lưu niệm đi kèm. Những địa điểm như nhà tắm công cộng sẽ cung cấp dịch vụ tắm miễn phí cho họ. Một số chính quyền địa phương còn tặng cả cơm đậu đỏ kèm theo lá thư chúc mừng.

Ngày Thu Phân (秋分の日): Ngày 22 hoặc 23 tháng 9 (tuỳ theo năm)

Giống như Ngày Xuân Phân, đây là một ngày lễ đánh dấu thời điểm chuyển mùa trong năm. Theo tục lệ, người Nhật thường sẽ đến viếng mộ tổ tiên của họ trong thời gian này. Tùy theo năm mà ngày này có thể được xếp vào kỳ nghỉ lễ dài, vì nối tiếp với Ngày Kính Lão và các ngày thứ bảy, chủ nhật khác. Thế nên khoảng thời gian này còn được gọi là "Tuần Lễ Bạc (Silver Week)".

Ngày Thể Thao (スポーツの日): Thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng 10

Đúng như tên gọi, đây là một ngày lễ tập trung vào việc "tham gia thể thao". Ban đầu ngày lễ được đặt tên là Ngày Thể Dục, được thiết lập vào năm 1966 để kỷ niệm Thế vận hội Olympic Tokyo 1964.

Các sự kiện trải nghiệm thể thao, cuộc thi thể thao sẽ được tổ chức ở nhiều nơi vào ngày này, để mọi người ý thức về việc vận động cơ thể.

Ngày Văn Hóa (文化の日): Ngày 3 tháng 11

Ngày Văn Hóa ra đời vào năm 1948, với ý nghĩa là “ngày giới thiệu về những nền văn hóa, yêu chuộng tự do và hòa bình”. Một số bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật tại Nhật Bản sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham quan vào ngày này.

Ngày Tạ Ơn Lao Động (勤労感謝の日): Ngày 23 tháng 11

Đây là ngày lễ cuối cùng trong năm, với mục đích cảm tạ một mùa bội thu, thuận lợi. Ban đầu, ngày này được ban hành để tổ chức nghi lễ "Niinamesai", nhằm cảm ơn các vị thần đã ban cho vụ mùa gặt hái thành công. Nhưng hiện nay, ngày lễ được xem như một ngày để tri ân những người lao động.

Những kỳ nghỉ dài ở Nhật sẽ diễn ra khi nào?

Sau khi đã tìm hiểu những điều cơ bản về các ngày nghỉ, hãy cùng xem qua về những kỳ nghỉ dài ở Nhật. Trong những kỳ nghỉ lễ dài, các địa điểm du lịch dự kiến sẽ rất đông đúc. Vì vậy bạn cần lên lịch trình, tính toán thời gian di chuyển, đặt hẹn quán ăn và chỗ ở trước chuyến đi thật cẩn thận.

Kỳ nghỉ lễ cuối năm & Tết Dương lịch: Cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau

Mặc dù không có quy định nhất định, song các cơ quan Chính phủ và công ty tư nhân sẽ có kỳ nghỉ cuối năm và đầu năm, từ ngày 29 tháng 12 đến ngày 3 tháng 1. Còn về các khu thương mại hoặc khu vui chơi giải trí, thì tùy mỗi nơi mà thời gian nghỉ lễ sẽ khác nhau, nhưng chủ yếu là vào giao thừa (ngày 31 tháng 12) và ngày đầu năm mới (ngày 1 tháng 1). Một số cửa hàng sẽ có thời gian hoạt động ngắn hơn so với thông thường. Vào ngày đầu tiên của năm mới, hầu hết các địa điểm sẽ mở cửa sớm hơn cho đợt bán hàng đầu năm (hatsuuri).

Ngoài ra, thời gian hoạt động của các công ty đường sắt và xe buýt sẽ có sự thay đổi dựa theo theo lịch trình cuối năm và đầu năm mới, vì vậy bạn nhớ kiểm tra các trang web chính thức trước khi khởi hành nhé.

Tuần Lễ Vàng: Cuối tháng 4 đến đầu tháng 5

Tuần lễ vàng thường sẽ bắt đầu từ Ngày Chiêu Hòa (ngày 29 tháng 4) đến đầu tháng 5, do nhiều ngày lễ quốc gia tập trung vào thời gian này. Người Nhật có thể nghỉ nhiều ngày lễ liên tục nếu gộp các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc sử dụng các ngày nghỉ phép có lương. Thế nên mọi người thường tận dụng kỳ nghỉ dài mỗi năm chỉ có một lần này để về quê, đi du lịch trong nước hoặc quốc tế. Không chỉ các điểm tham quan, mà cả các tuyến tàu shinkansen, máy bay và đường cao tốc đều rất đông đúc vào dịp này!

Kỳ nghỉ lễ Obon: Giữa tháng 8

Kỳ nghỉ lễ Obon tại Nhật kéo dài 4 ngày, từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 hàng năm. Đây được xem là khoảng thời gian để tưởng niệm tổ tiên và những người đã khuất. Người Nhật thường dành thời gian đi viếng mộ trong dịp lễ, hoặc tham gia các lễ hội múa Bon Odori (điệu nhảy để tiễn những người đã khuất trở về thế giới của họ sau khi đến thăm dương thế).

Nhiều người Nhật tận hưởng kỳ nghỉ hè bằng cách sử dụng các ngày nghỉ phép có lương, để gộp các ngày nghỉ từ Ngày của Núi - ngày lễ gần nhất với dịp lễ Obon. Một số cửa hàng, nhà hàng, quán ăn có thể sẽ đóng cửa trong khoảng thời gian này, nên bạn cần lưu ý nhé.

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.