Thưởng thức "ẩm thực hạng B" tại Osaka

©Osaka Convention & Tourism Bureau

Kể từ thời kỳ Edo (1603-1867), nhiều loại hình ẩm thực khác nhau đã được hình thành tại Osaka, nơi được xem là thành phố thương mại phát triển mạnh mẽ vào thời điểm đó. Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều loại nguyên liệu có sẵn, nơi đây đã hình thành nên nền ẩm thực vô cùng độc đáo.

Niềm đam mê ẩm thực của người Osaka được biểu hiện bởi cụm từ "Osaka no Kuidaore - ăn quên luôn lối về", thể hiện tình yêu vô cùng lớn của người dân bản địa đối với nền ẩm thực địa phương. Nào hãy cùng điểm qua những điểm nổi bật của "ẩm thực hạng B" tại Osaka nhé.

Ẩm thực hạng B là gì?

Khác với ẩm thực chuyên dành cho hình thức du lịch của khu vực địa phương, ẩm thực hạng B không được sử dụng các kỹ thuật hoặc cách trang trí cầu kỳ. Đây là những món ăn bình dân được nấu từ các nguyên liệu địa phương, nên rất quen thuộc đối với người dân bản địa.

Vì đâu mà Osaka lại được mệnh danh là “nhà bếp của nước Nhật”?

©Osaka Convention & Tourism Bureau

©Osaka Convention & Tourism Bureau

Trong thời kỳ Edo (1603-1867), Osaka từng là trung tâm vận tải hàng hải và hậu cần. Với việc sở hữu các nguyên liệu đa dạng từ khắp nơi trên thế giới, cùng với những nguyên liệu địa phương có sẵn, nơi đây còn được mệnh danh là “nhà bếp của nước Nhật” (天下の台所 / Tenka no Daidokoro).

Đến cả các nguyên liệu như là tảo bẹ (kombu) được sản xuất ở xa Osaka, cũng được vận chuyển đến đây bằng tàu thủy "kitamae-bune", góp phần nuôi dưỡng văn hóa Dashi của khu vực.
(Kitamae-bune: Một thuật ngữ chung chỉ các loại tàu buôn di chuyển giữa Osaka và Hokkaido thông qua đường biển Nhật Bản, từ giữa thời kỳ Edo đến năm 1897.)

Vì là "thành phố của thương gia", nhiều món ăn cao cấp sang trọng nhằm phục vụ cho các cuộc đàm phán kinh doanh đã ra đời. Trong một môi trường phát triển như vậy, các đầu bếp cũng được đòi hỏi tính tỉ mỉ, khéo léo, không ngừng nâng cao tay nghề để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về ẩm thực. Mặt khác, vì muốn tiết kiệm các chi phí, người dân bản địa cũng đã phát triển, biến tấu các món ăn sao cho phù hợp với tiêu chí "ngon bổ rẻ", phù hợp với thị yếu, nhu cầu của tầng lớp thường dân.

Ẩm thực hạng B của Osaka

Ẩm thực Osaka không chỉ đặc trưng bởi bột nước dùng "dashi", mà còn bởi "konamon" - đồ ăn được làm từ bột. Chẳng hạn như món bánh bạch tuộc Takoyaki quen thuộc, bánh xèo Okonomiyaki kiểu Kansai, thịt xiên chiên giòn, hay là mì Udon ... đều được làm từ bột mì trộn cùng với các nguyên liệu khác nhau.

Về sau, văn hóa "konamon" đã hòa quyện cũng với văn hóa bột "dashi", tạo nên nét độc đáo cho ẩm thực hạng B của Osaka.

Bánh bạch tuộc Takoyaki

©Osaka Convention & Tourism Bureau

Takoyaki là một món bột chiên đặc trưng của Osaka. Đây là món ăn lâu đời mà ai cũng biết, và là đặc sản không thể bỏ qua khi đến với Osaka. Takoyaki được xem là linh hồn của người dân Osaka, với rất nhiều loại cùng hương vị đa dạng. Sau đây, chúng mình sẽ giới thiệu với các bạn về Aizuya, một cửa hàng Takoyaki chính gốc tại nơi đây.

Cửa hàng "Aizuya" nằm ở Tamade, Osaka được cho là nơi khai sinh ra món Takoyaki nổi tiếng. Món Takoyaki thuở đầu rất đơn giản, không có nước sốt đậm đà, không có sốt mayonnaise, cũng không hề có gừng ngâm chua hay cả cá ngừ bào "katsuobushi". Gia vị chỉ là nước tương shoyu, bột dashi kèm bạch tuộc cắt nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có nước sốt, Takoyaki vẫn mang một hương vị rất riêng.

Bánh bạch tuộc Takoyaki sẽ được nướng trên chảo sắt cho đến khi vừa đủ độ mềm, ngon ngọt từ trong ra ngoài. Đây cũng được xem là nét đặc trưng của bánh Takoyaki tại Osaka. Trái lại, Takoyaki ở Tokyo thì lại giòn ở bên ngoài, bên trong mềm như kem vậy.

Bánh Takosen

Một dạng khác của món bánh Takoyaki, và cũng là niềm tự hào của người dân Osaka chính là món Takosen. Đây là một loại bánh gạo senbei, kẹp bánh Takoyaki ở giữa, kèm với các nguyên liệu khác như vụn bột chiên "tenkasu", nước sốt, sốt mayonnaise và các nguyên liệu đi kèm, tạo nên hương vị ấn tượng.

Takosen ra đời vào những năm 40 của thời kỳ Showa (sau năm 1965), tại một cửa hàng bán bánh Takoyaki. Cửa hàng này nằm trước trường luyện thi ở Kishiwada, phía nam Osaka. Nhận được sự ưa chuộng của sinh viên trường, công việc làm ăn của tiệm cũng dần phát triển. Tuy nhiên, với số lượng lớn người mua hàng, lượng rác thải từ hộp đựng bánh Takoyaki cũng gia tăng.

Chính vì vậy, cửa hàng này đã nảy ra ý tưởng, sử dụng bánh gạo senbei làm đồ chứa thay vì hộp đựng thông thường. Điều này không chỉ làm giảm thiểu lượng rác thải mà còn tiết kiệm chi phí hộp chứa, góp phần đưa tên tuổi của cửa hàng nổi tiếng khắp khu vực. Đây cũng chính là sự ra đời của món Takosen ngày nay.

Ngoài món bánh Takoyaki, một số cửa hàng còn phục vụ thêm món "Tamago Takosen" - bánh Takosen kẹp trứng. Khi bán hết Takoyaki, món ăn sẽ được chuyển thành "Tamagosen" - bánh gạo kẹp trứng mà không có Takoyaki.

Ikayaki - Bánh mực nướng

©Osaka Convention & Tourism Bureau

Đúng như cái tên của món ăn "Ikayaki", "ika" (mực trong tiếng Nhật) sẽ được cắt nhỏ và trộn cùng với bột dashi làm thành bánh, rồi được trải phẳng và nướng bằng vỉ sắt. Sau khi nướng, bánh sẽ được phủ thêm nước sốt rồi gấp lại tạo thành hình bán nguyệt. Với độ dẻo từ bánh, kèm thêm sự dai giòn từ mực, hương vị độc đáo của món ăn vặt này sẽ làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất!

Theo giả thuyết, nguồn gốc của món ăn bắt nguồn từ một người bán hàng rong tại đền Sumiyoshi Taisha. Đến khi ông mở một cửa hàng tại khu mua sắm Hanshin Department Store ở Umeda vào năm 1957, món ăn đột nhiên trở nên nổi tiếng và dần trở thành đặc sản của nơi đây.

Mì Kitsune Udon

©Osaka Convention & Tourism Bureau

Nếu bạn bắt gặp từ "kitsune (きつね)" trên thực đơn của một cửa hàng mì Udon hay Soba Nhật Bản, thì nó có nghĩa là "đậu hũ chiên giòn (お揚げ/ o-age, 油揚げ/ abura-age)". Và bởi vì đậu hũ rán vốn nổi tiếng là món ăn khoái khẩu của loài cáo, nên món ăn diễm nhiên được đặt theo cái tên"kitsune" - nghĩa là "cáo" trong tiếng Nhật.

Vậy tại sao Kitsune Udon lại trở thành món ăn phổ biến trong "ẩm thực hạng B" tại Osaka? Câu trả lời chính là vì món ăn có xuất xứ tại chính thành phố Osaka. Kitsune Udon lần đầu tiên được phục vụ tại quán ăn Matsubaya (hiện nay là Usamitei Matsubaya), được thành lập vào năm 1893 ở Semba, Osaka.

Ban đầu, quán chỉ phục vụ đậu hũ như một món riêng. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát thói quen ăn uống của khách hàng, quán đã chính thức phục vụ món mì Kitsune Udon có kèm sẵn đậu hũ chiên, bởi rất nhiều thực khách ăn Udon đã nhúng đậu hũ chiên vào nước súp và thưởng thức một cách ngon lành. Đây cũng chính là khởi nguồn cho món mì Kistune Udon nổi tiếng.

Udon cũng là một món ăn chứa đựng văn hóa nước dùng "dashi" của Osaka mà bạn nên thử ít nhất một lần. Món mì Kitsune Udon về cơ bản không có nguyên liệu nào khác ngoài đậu hũ chiên, và "chìa khóa hương vị" của món ăn đến từ nước dùng dashi đặc trưng của mỗi quán. Hãy thử trải nghiệm món ăn tại mỗi quán ăn khác nhau để hiểu nhiều hơn về món ăn đặc trưng này nhé.

Mì Kasu Udon

Nếu nói mì Kitsune Udon là món ăn "dân dã", thì món mì Kasu Udon có thể gọi là một món ăn "hoang dã" chăng! "Kasu" trong Kasu Udon - đặc sản địa phương của quận Minamikawachi ở phía đông nam Osaka, là nội tạng bò đã được loại bỏ mỡ, và chiên dầu ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài. Đây còn được gọi là “aburakasu”, với khẩu vị giòn giòn ở bên ngoài và béo ngậy ở bên trong.

Hương vị mộc mạc, "hoang dã" kèm một ít "aburakasu" bên trên chính là đặc trưng độc đáo của món mì Kasu Udon. Món ăn đã trở thành một món mì Udon chính thống tại Osaka hiện nay.

Nikusui - Súp thịt

Nói một cách đơn giản, món mì Niku Udon (mì Udon và thịt) nếu không cho mì Udon vào sẽ hình thành Nikusui - món ăn chỉ có nước súp và thịt. Vào cuối những năm 1980, Hanaki Kyo - một diễn viên hài của công ty Yoshimoto Shinkigeki, đã đến quán ăn Udon có tên “Chitose” ở Sennichimae, Namba và gọi món Nikusui như trên. Món ăn này đã càng trở nên nổi tiếng sau khi diễn viên hài nổi tiếng Akashiya Sanma cùng đồng nghiệp chia sẻ về chúng trên kênh truyền hình Nhật Bản.

Tuy nhiên, chỉ có nước súp và thịt thôi thì vẫn chưa đủ, hầu hết mọi người sẽ gọi thêm cơm hoặc trứng đi kèm. Tùy vào mỗi quán ăn, mà các nguyên liệu đi kèm cũng sẽ khác nhau, như là đậu hũ cũng có thể được cho thêm vào bát súp Nikusui nữa đấy.

Nguồn nội dung

Thông tin này được thu thập từ công ty Fun Japan Communications Co., Ltd.
Các địa điểm có thể đóng cửa kinh doanh, thay đổi giờ hoạt động hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đồ uống có cồn..., mà không thông báo trước.

Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem trên các trang web chính thức hoặc liên hệ trực tiếp các cơ sở.